Thằng nhỏ phụ việc trở lại lò rèn vào sáng hôm sau. Nghe ông Tám kể chuyện tối qua ông thấy hai thằng ma, nó rùng mình:
- Thấy ghê vậy ông Tám? Ủa mà sao lúc con... ở đây... con không thấy... ma hả ông Tám?
- Mày nặng... bóng vía quá làm sao thấy?
- Nặng bóng vía là sao ông Tám?
- Mày biết vậy thôi đừng hỏi lòng vòng. Coi đốt lò đi. Bữa nay còn một mớ đồ nữa đó...
Ông Tám nói xong thì bỏ đi. Ông không bỏ đi cái thằng này còn hỏi tiếp nữa. Mệt.
Ông Tám ngồi gọt dao rựa ngoài khoảng đất trống mà suy nghĩ
riết. Thằng ma rừng nói với thằng ma da sẽ có hai mạng đến thay thế vị
trí cho thằng ma da vào ngày hai mươi bốn. Hai mạng đó là ai? Không
lẽ là ông và thằng nhỏ phụ việc? Nếu là ông thì chẳng ngại gì. Tội
nghiệp thằng nhỏ còn quá trẻ. Nó chết uổng lắm.
Ông Tám tiếp tục suy nghĩ. Dân làng chỉ đặt hàng ông làm lúc
ông xuống chợ. Rựa cỡ nào, dao cỡ nào, lưỡi cuốc nào đều được người
đặt hàng ghi sẵn cùng với tên họ. Ông cứ làm xong là xuống chợ giao
hàng. Còn người tìm vàng lúc này không đi qua đây nữa vì đã có con
đường tắt từ chợ lên thẳng đồi Chuối.
Vậy thì vùng này còn ai léo hánh tới đâu mà có tới hai mạng
người? Thằng nhỏ vô tư chẳng biết mối lo canh cánh trong lòng ông Tám.
Ngày hai mươi hai tới. Còn hai ngày nữa thôi…
Giữa trưa ông Tám kêu thằng nhỏ giao việc:
- Mày vác mớ dao rựa đó xuống chợ giao cho ông Năm bán tạp
hóa. Có tờ giấy đây. Dặn ông Năm giao cho khách giùm tao. Tiền bạc tính
sau nghen...
- Dạ.
- Rồi mày...
Ông Tám đang lựa lời nói khéo.
- Sao ông Tám?
- Mày ở chơi dưới đó hết ngày hai mươi lăm hãy lên. Tao mắc công chuyện phải đi vài bữa.
- Ông Tám đi thì con lên đây coi chừng chòi...
Ông Tám xua tay:
- Không được! Lúc lên ghé chợ cõng một bao gạo, lấy một ký
khô, một chai dầu ăn... Nói ông Năm... cho trừ vào tiền dao rựa giao
khách hàng ở dưới. Dư thiếu tính sau.
- Tao dặn có nhớ không?
Thằng nhỏ gật đầu lặp lại:
- Ở chơi sáng hai mươi sáu lên. Cõng gạo, xách khô, chai dầu ăn con két…
Ông Tám chỉ cái bao ở gốc cây:
- Đi đi… Tao dặn phải nhớ không được trái ý của tao nghe chưa!
Thằng nhỏ vác đồ đi liền. Vừa đi nó vừa lấy làm lạ về cử chỉ của ông Tám:
- Mấy bữa nay thấy ông Tám kỳ kỳ...
Cả ngày hai mươi bốn ông Tám chẳng làm gì cả. Ông nấu cơm ăn
xong thì ngồi trước chòi hút thuốc. Nhìn ống bể lạnh tanh ông thấy
buồn. Ngọn gió rừng lào xào và tiếng suối reo làm lòng ông khó chịu.
Trong đầu ông cứ xoay mãi câu hỏi: Hai mạng người hôm nay là ai? Là
ai? Hay là chính ông và một ai nữa sẽ tới đây theo lời xúi giục của
thần Chết?
- Không phải mình. Thằng ma da nói sống chết có số. Mình chưa tới số chết sao được?
Ông Tám vấn điếu thuốc bập lửa đốt hút chơi. Sống ở đây lúc
nào cũng có lửa lò rèn ấm áp đã quen, bữa nay không đốt lò thấy thiếu
thiếu. Phải hút thuốc bù vào.
Uống miếng rượu cho ấm. Phải rồi. Ông Tám đứng dậy bước vào
chòi rót rượu. Ông tìm chai rượu mấy bữa trước còn chút ít. Xong ông
tìm cái ly. Loay hoay tìm kiếm trong chòi một hồi ông Tám mới có được
gói đậu phộng rang, thằng nhỏ phụ việc mua ăn còn bỏ lại nửa gói.
- Vậy được rồi...
Ông Tám thích thú đem hết ra ngoài dự tính sẽ lai rai chơi
một mình bên bờ suối. Nhưng khi ông bước ra thì ông liệng hết rượu,
đậu, cái ly... hốt hoảng la lên:
- Đừng có xuống suối...
Ngoài kia có một cô gái đang lần bước theo ghềnh đá mò xuống suối… Ông Tám chạy nhanh ra, miệng kêu:
- Ê! Có nghe không… Đừng... đừng...
Ông chưa nói hết lời thì cô gái nọ trượt chân ngã nhào xuống
suối. Dòng chảy lúc này đang mạnh, chỉ trong tích tắc cô ta đã bị
nước cuốn trôi, hai cánh tay đưa lên chới với trong ngàn bọt nước sủi
lên đỏ ngầu...
Ông Tám lao xuống suối đón đầu kịp nắm cánh tay đó. Thằng ma
da dưới suối trồi lên nắm chân cô gái nọ ghì xuống. Ông Tám cảm thấy
lực kéo đó biết rõ thằng tìm vàng đang cố thoát kiếp ma da ở con suối
này. Ông bậm môi dùng hết sức lôi, dùng hai chân đạp nước thật mạnh để
nhanh chóng vào bờ. Ông hét lên một tiếng:
- Để tao cứu người ta chứ?
Thằng ma da có lẽ nghe tiếng hét của ông già lò rèn giật
mình buông lơi sức kéo. Nhờ vậy ông Tám đạp nước thật mạnh mới đưa
được cô gái vào bờ, đẩy lên ghềnh đá. Vậy là thoát.
Cô gái trẻ mặt mày xanh lét. Cô lạnh run hay thoát chết mà
vẫn còn run? Ông Tám đưa cô ta vào chòi rồi lấy khăn đưa cho cô gái.
Lúc này ông Tám mới nhìn thấy cái bụng cô ta tròn vo. Thì ra cô gái
này có thai. Ông thở khì:
- Đúng là... hai mạng người! May mà mình cứu kịp...
Ngoài con suối tự nhiên nước chảy rất mạnh. Bọt nước trắng
xóa tung lên ghềnh đá. Tiếng nước gầm gừ dữ dội ầm ì, ầm ì liên tục...
Ông Tám bước ra ngoài cảm được một luồng gió lạnh thổi tạt vào mặt
mình. Ông thì thào:
- Tao... tao... xin lỗi!
Đưa cô gái về chợ xong, ông tạt qua hàng tạp hóa. Ông
muốn mua ít đồ hàng mả cúng thằng ma da sẵn dịp kêu thằng phụ việc về
luôn.
- Sao ông Tám dặn sáng hai mươi sáu con lên. Bây giờ kêu lên?
Thằng phụ việc mê chơi vừa nhìn ông vừa hỏi.
- Mày hỏi lung tung chi vậy. Nè... xách giỏ đồ cho tao. Về!
Đồ hàng mả ông Tám mua cho thằng ma da là nhang đèn, mấy bộ
quần áo, hai xấp vải, vàng mả, tiền bạc và một con ngựa, một cái
thang... Tất cả đều làm bằng giấy.
Có hai món là thật là chai rượu nếp, hai con cá khô.
Thằng nhỏ với tay lượm bịch đậu phọng rang bỏ luôn vào giỏ mây... Hai ông cháu trở lên lò rèn.
Hình ảnh cô gái trẻ có thai làm ông bàng hoàng cả người. Cô
ta có thai với ai mà phải đi trầm mình tự tử vậy? Cô quyết đi tìm cái
chết nhưng khi cô trượt chân té xuống dòng nước thì hốt hoảng giơ tay
lên níu kéo cuộc sống. Con người ta ai chẳng muốn sống. Chết là do số
thôi. Trước đây ông Tám cũng từng cứu thằng ma da mà không cứu được.
Tại số nó phải chết. Còn cô gái thì chưa... dù cho thằng ma da cố kéo
chân cô gái để mong được hóa kiếp.
- Mình làm thằng ma da thất vọng. Mình cải... số Trời?
Ông Tám nói lầm bầm trong miệng làm thằng nhỏ phụ việc nhìn ông chẳng hiểu gì cả.
Đêm đó ông Tám bày áo quần, vải vóc, dựng con ngựa bên cạnh
xấp tiền, vàng... ngoài ghềnh đá. Con suối bỗng dưng dịu lại. Chắc
thằng ma da đang tò mò muốn biết ông Tám đang làm cái gì.
Ông Tám đốt hai cây đèn cầy, thắp nhang vái với lời lẽ êm ái nhẹ nhàng của người biết lỗi:
- Ma da... Mày lên đây nhận chút quà mọn của Tám Được này.
Rồi uống rượu... chia tay với tao. Đêm nay mày đi mà. Phải không? Mày
đừng trách tao vô tình với mày. Tao làm chuyện cải mệnh trời vì tao
không thể thấy người ta sắp chết mà không cứu. Nếu tao vì mày mà bỏ đi
thì tao không còn là Tám Được nữa, tao không còn là... thằng người
nữa.
Ba cây nhang cắm dưới đất trong chốc lát tàn nhang cong lại.
Ông Tám biết thằng ma da đang nghe ông nói và bằng lòng với lý lẽ của
một con người ngay thẳng. Ông bày rượu ra, kêu thằng nhỏ đem khô
nướng ra rồi rót rượu mời thằng ma da chắc đang lẩn quẩn đâu đây:
- Uống vài ly gọi là tiễn biệt nhé ma da.
Ông Tám uống trước, rót tiếp ly khác đặt xuống đất. Chiếc ly
rung nhẹ. Rượu còn nguyên nhưng thằng ma da đã uống một hớp coi như
nó chấp nhận lời ông chủ lò rèn.
- Tao gửi mày tiền, vàng, quần áo, vải vóc và... con ngựa để
mày đi về cõi âm cho nhanh. Hình như mày cũng bị trễ vài tiếng đồng
hồ rồi? Thôi, xuống suối lấy hành lý của mày để đi cho kịp giờ.
Một mình ông Tám uống hết ba ly rượu gọi là đưa tiễn thằng
hàng xóm ma da. Xong, ông đốt hàng mả, kêu tên thằng ma da để giao
nhận. Ông đốt luôn con ngựa giấy. Và động tác sau cùng là ông dựng
chiếc thang giấy từ mép ghềnh đá bên bờ suối lên bờ. Vừa đốt chiếc
thang giấy, ông Tám vừa nói như lời cầu xin các đấng thiêng liêng cõi
trên, cõi dưới:
- Thằng ma da tới lúc phải đi. Lẽ ra có hai nhân mạng thay
thế cho nó ở vị trí ma da con suối này. Nhưng tôi đã cứu sống hai mẹ
con người ta. Nay xin các vị khuất mặt khuất mày tha thứ và giúp cho
thằng ma da được dùng chiếc thang giấy này đi vào cõi khác, nhanh
chóng siêu thoát.
Ngọn lửa cháy lung linh liếm dần chiếc thang giấy. Khi ngọn
lửa bao trùm chiếc thang thì có một cái bóng trắng từ con suối tối đen
nhẹ nhàng bước qua chiếc thang leo lên ghềnh đá ngay chỗ ông Tám
ngồi. Cái bóng đó leo lên yên con ngựa trắng vừa rung lục lạc kêu leng
keng bên vách chòi lá của ông già Tám.
Ông Tám đứng dậy nhìn thằng ma da. Nó vừa thay quần áo mới,
tay cầm xấp tiền giấy rãi khắp nơi. Rồi thì nó cười với ông, ghìm dây
cương ngựa, trở bước...
Ông Tám đứng nhìn theo bàn tay vẫy mãi...
Thằng ma da đi khuất sau cánh rừng ông Tám mới thở phào tan
hết âu lo. Thằng ma da đi trước lúc nửa đêm, nghĩa là kịp giờ hóa
kiếp... Ông Tám rất mừng...
Từ đó trở đi, con suối trở nên hiền hòa dù cho mưa trên
nguồn có nhiều hay ít. Ngã ba suối cũng êm ái hơn, dòng chảy dịu lại,
đầy ắp phù sa đất đỏ badan.
Mùa vụ trên cánh đồng dưới kia nhờ vậy mà vô cùng xanh tốt. Dân làng no ấm, hạnh phúc.
Vì sao? Việc này chỉ một mình ông Tám hiểu.