Các thầy thuốc Tây y được rước từ thị xã về cũng đành bó tay. Họ đề
nghị đưa ngay đi Sài Gòn chữa trị, theo họ thì đây là một chứng bệnh
lạ, họ không dám điều trị.
Đến sáng sớm ngày thứ tư thì có một người con gái từ ngoài
đi thẳng vào nhà trước sự ngạc nhiên của mấy người canh bệnh. Họ vừa
định hỏi thì có Hai Mến ở đó, nhận ra khách, nên ngạc nhiên hỏi:
- Chị Lan Ngọc, chị đi đâu đây?
Lan Ngọc không chào hỏi ai, đi thẳng vào giường bệnh của vợ chồng Hội đồng Thì. Cô nhìn qua rồi nói:
- Chậm nửa ngày nữa thì cả hai đều hết cứu!
Trước sự kinh ngạc của mọi người, Lan Ngọc lấy trong túi ra
hai lá xanh mà thoạt nhìn nhiều người đã nhận ngay ra đó là lá bồ đề.
Cô đặt lên trán mỗi người một lá, rồi bảo Hai Mến:
- Hãy đóng chặt cửa phòng lại, đừng cho bất cứ ai vào. Ai có
gõ cửa, có bắt buộc cũng nhất định không cho. Nếu chị làm trái lại
thì ông bà Hội đồng sẽ không toàn mạng! Đây là ý của anh Năm Nhơn. Anh
ấy muốn cứu họ. Chị nghe tôi dặn chưa?
Hai Mến đã có gặp qua Lan Ngọc một lần khi cô mới về đây và
còn gặp lại lần nữa khi cô bị té sông, lúc đó thấy Lan Ngọc hiền lành,
thùy mị... khác với bây giờ, nhìn cô như một vị tướng chỉ huy! Nhưng
vì tính chất nghiêm trọng, nên Hai Mến phải gật đầu:
- Tui sẽ làm theo. Nhưng cô vừa nói, tại sao Năm Nhơn lại muốn cứu họ? Năm Nhơn không phải đã thành quỷ rồi sao?
Lan Ngọc xua tay tỏ ý không muốn nói. Cô lại đưa một ra một cái bọc vải, dặn Hai Mến:
- Nếu có ai muốn xông đại vào phòng mà chị không cản được, thì đưa vật này ra trước mặt họ, ắt sẽ đuổi được họ đi!
Hai Mến cầm lấy với bao thắc mắc nhưng không dám hỏi. Bởi cô
nhớ những lời nói của bà Hội đồng lúc ở dưới xuồng, chỉ vì đụng chạm
đến Năm Nhơn mà bị như vậy...
Thoắt cái Lan Ngọc đã đi ra tới ngoài cổng. Lúc ấy có muốn
gọi lại cũng chẳng được, nên Hai Mến đành ngồi đó với cái bọc vải
trong tay. Cô thấy bọc nặng nặng nhưng chẳng biết là vật gì bên trong.
Muốn xem mà chẳng dám...
Bỗng mọi người nghe có tiếng gọi lớn ngoài cửa sổ:
- Hội đồng Thì, mau ra đây. Còn bao nhiêu nợ nần hãy ra mà trả hết đi!
Hai Mến hết hồn, nhớ lời Lan Ngọc dặn, cô ta nín thinh và ra
dấu cho mọi người cũng im lặng theo. Vài phút sau thì tiếng gọi im
bặt.
Chưa hoàn hồn thì mọi người ngồi ngay cửa phòng nghe có hơi
gió lướt qua, rồi có mùi tanh tưởi khó chịu phả vào mũi, đồng thời như
có ai xô mạnh vào cửa đã khóa. Sức xô đẩy mạnh đến nỗi cánh cửa kiên
cố mà cũng lung lay như sắp bật tung ra! Hai Mến sợ quá định kêu lên
cầu cứu, nhưng chợt nhìn lại cái bọc vải trong tay và lời dặn của Lan
Ngọc lúc nãy, cô vội cầm bọc vải ấy đưa đại lên trước mặt!
Lạ thường thay, tiếng xô đẩy chấm dứt ngay. Cùng lúc ấy có
vài tiếng thét đau đớn vang lên, rồi thì tiếng bước chân chạy như bị
đuổi!
Không khí im lặng trở lại ngay tức khắc. Lúc ấy Hai Mến hồn
vía còn chưa bình thường, cô ta run tay, để rơi bọc vải xuống sàn nhà,
lớp vải bung ra, lộ nguyên trái tim còn đỏ máu nằm trong đó!
Chưa ai kêu lên được tiếng nào thì từ ngoài cửa Ái Loan bước nhanh vào, reo lên:
- Thành công rồi! Cứu được rồi!
Mọi người quay lại mừng rỡ:
- Cô Hai! Cô về kịp lúc lắm!
Ái Loan nghiêm giọng:
- Tôi về từ nãy giờ nhưng chưa dám vô, bởi biết lũ người kia thế nào cũng kéo tới, phải tránh chạm mặt họ.
Cô vừa nói vừa ngồi xuống nhẹ tay đặt quả tim lại trong miếng vải bọc, gói cẩn thận, vừa nói:
- Đây là trái tim của Năm Nhơn! Anh ấy đã phải dùng chính
con tim của mình để đuổi những oan hồn kia đi. Nhờ vậy nên ba má tôi
mới được cứu.
Cô chạy ngay vào phòng, cũng vừa lúc ông bà Hội đồng tỉnh lại. Họ ngơ ngác hỏi:
- Tui còn sống hay đã chầu diêm vương rồi?
Ái Loan lên tiếng:
- Ba má không phải lo nữa. Lúc nãy những oan hồn vốn là nạn
nhân của ba má trước đây, họ kéo tới đòi trả thù, nếu anh Năm Nhơn
không hy sinh trái tim của mình thì ba má không thể thoát chết dưới
bàn tay ma của họ.
Bà Hội đồng không tin con mình còn sống, bà chụp lấy tay,
nắn tới nắn lui mấy lượt, khiến cho Ái Loan phải lên tiếng xác nhận:
- Con đây mà, chớ phải ma quỷ gì đâu!
Nhớ chuyện dưới ghe ở sông cái, bà ngập ngừng hỏi:
- Nó... tha cho con rồi sao?
Ái Loan chỉ tay ra cửa:
- Anh cùng về với con kìa.
Bà Hội đồng vừa nghe tới đó đã kinh hoàng, nhảy xuống khỏi giường:
- Đừng! Đừng để nó vô đây! Ba mày thấy nó là ông chết liền!
Nhưng thật bất ngờ, ông Hội đồng bỗng bật dậy, lên tiếng:
- Trong cơn mê vừa rồi tôi đã gặp nó. Đúng là nó không hại tôi, chớ nếu muốn thì nó đã giết cả tôi với bà rồi!
Ông nhìn con gái, có hơi thẹn:
- Ba hiểu ra rồi, chính vì ích kỷ, tham lam, nên ba suýt nữa
đã hại đời con. Cũng may là khi thằng Năm chết thì con đã tỉnh ngộ.
Chớ nếu không...
Ái Loan thú thật:
- Lúc anh Năm Nhơn mới chết, anh đã điên cuồng định tìm giết
cả nhà mình. Đầu tiên là thằng út, nó xui nên gặp anh Nhơn lúc ảnh
còn hận thù chất ngất, nên bị ảnh giết. Sau đó ảnh tìm con. Gặp con
dọc đường, trong lúc con đang ôm bụng bầu định nhảy xuống giếng, Chẳng
hiểu sao lúc ấy anh Nhơn lại nhìn con với cặp mắt hiền lành, khác với
sát khí khi ảnh hại thằng út! Sau đó chính ảnh đã thú nhận là không
thể giết con, bởi con không có tội. Con năn nỉ ảnh đừng hại ba má, lúc
đầu ảnh chưa chịu nghe, nhưng đến khi có sự xuất hiện của cô gái tên
Lan Ngọc thì mọi việc đổi khác, ảnh đồng ý tha cho nhà mình! Chớ nếu
không thì hôm nay xác ba má và con đã nằm dưới đất rồi!
Bà Hội đồng ngạc nhiên khi nghe con mình nhắc tới Lan Ngọc nào đó:
- Lan Ngọc là ai, sao dính tới chuyện này?
Hai Mến nãy giờ ngồi nghe chuyện, vội xen vô:
- Lan Ngọc là em vợ Ba Thông, người bên xóm Dừa. Chính cô ấy
lúc nãy đã đem trái tim của Năm Nhơn qua đây để cứu hai ông bà đó!
Ái Loan giải thích thêm:
- Đó là người hoàn toàn xa lạ với nhà mình, con cũng chưa gặp lần nào. Cả anh Nhơn cũng không biết cô ấy...
Ông Hội đồng hỏi:
- Như vậy sao nó chen vô chuyện của mình?
- Không phải vô cớ đâu. Nhà mà cô ấy ngụ ở gần chỗ cái xác
anh Nhơn trôi tấp vào, nên đêm đó trong hồn phách của anh Nhơn đang
dật dờ không nơi nương tựa thì tình cờ gặp cô Lan Ngọc đó. Tâm trạng
chung của những oan hồn mới chết, hễ gặp ai quan tâm tới mình thì muốn
được người đó cứu hoặc đem người đó theo mình. Đêm hôm đó anh Nhơn đã
dùng hồn thằng út lôi kéo Lan Ngọc ra nghĩa địa vắng tính thực hiện ý
đồ, nhưng khi thấy cô Ngọc có lòng nhân đạo, dám nhảy xuống cứu đứa
bé té mương, trong khi cô ấy không hề biết lội, do vậy anh Nhơn đã
động lòng thiện, thay vì bắt cô ấy theo, anh ấy lại kết bạn với cô và
thề là sẽ không hại nữa! Chính cô Lan Ngọc đó, chớ không phải mình con
làm cho Năm Nhơn hướng thiện, từ quỷ dữ biến thành oan hồn hiền lành.
Những tên thủ hạ của Hương quả Hận chết là do quá sợ, đứng tim mà
chết, chớ không phải Năm Nhơn giết. Không tin thì từ nay ba má sống
chung với ảnh rồi sẽ thấy.
Bà Hội đồng hốt hoảng:
- Sao sống chung với ma được!
Ái Loan nhẹ giọng:
- Vậy mà má sẽ thấy.
Cô đứng lên đi thẳng lên lầu, lát sau trở xuống bảo:
- Anh Nhơn sẽ ở phòng của con. Từ nay không ai được bước vào
đó nếu con không cho phép. Hồn ma không ác, không hại ai chỉ khi nào
không ai phạm tới họ. Con tin mọi người hiểu...
Cả nhà im lặng. Họ hồi hộp lắm, nhưng chẳng ai dám hé răng. Ái Loan phải trấn an:
- Anh Nhơn không có thân xác, chỉ có phần hồn, nên chẳng ai có
thể gặp được ảnh nếu ảnh không muốn. Mà hồn ma thì chỉ hiện ra khi ai
đó làm điều không phải với họ thôi. Còn ngoài ra họ không hiện hữu,
đừng sợ.
Có lẽ do sợ bị trừng phạt, cho nên sau đó chẳng một
ai nói ra chuyện hồn Năm Nhơn về sống chung nhà Hội đồng Thì. Đặc biệt
là Hai Mến, cô ta tỏ ra biết điều, ngoan ngoãn vô cùng. Đích thân cô
ngày ngày ba bữa làm cơm, bưng lên cúng ở bàn thờ đặt trong phòng của
cô chủ.
Mến cũng chứng kiến sự đổi thay đến ngạc nhiên của Ái Loan.
Từ một cô tiểu thơ con nhà giàu đỏng đảnh, khó ưa, nay trở thành một
cô chủ dịu dàng, dễ gần.
Gần một năm sau thì Ái Loan sinh con. Biết chắc đó là giọt
máu vô thừa nhận, tác phẩm của mối tình vụng trộm giữa Loan và Còm
Thuần, nhưng từ khi cô sinh ra thì hầu như chỉ để con trong phòng, mẹ
con hủ hỉ cùng nhau. Thỉnh thoảng chính Hai Mến còn nghe những lời vỗ
về, nựng nịu con của... một người đàn ông. Giọng của Năm Nhơn! Anh ta
đã chấp nhận đứa trẻ ấy như là con mình!
Ngày đầy tháng con, trong số ít khách tới nhà có cả Lan Ngọc. Cô nhận làm mẹ đỡ đầu và hứa sẽ thường xuyên về thăm.
Vợ chồng Hội đồng Thì cũng thay đổi hẳn tánh biết sống có
nghĩa tình hơn, hiền lành hơn. Cho đến hôm gia nhân không còn thấy họ
xuất hiện trong nhà nữa. Hai Mến biết chuyện, bảo với những người thân
cận:
- Ông bà ấy tu tâm dưỡng tánh, muốn lấy lòng nhơn để trả
phần nào việc ác ngày trước, nên đã về một vùng quê xa xôi, cất một
cái am và ở cùng nhau, tu tâm cho đến cuối đời…
Ái Loan một mình cai quản cái cơ ngơi đồ sộ của cha mẹ một
cách trơn tru, tốt đẹp đến người ngoài phải ngạc nhiên. Cô dùng hầu
hết tiền bạc kiếm được để làm việc thiện và từ đó ăn chay trường,
không sát sinh.
Từ là một ngôi nhà mà người chung quanh mỗi khi đi ngang qua
đều không dám nhìn, nay lại là nơi bà con thường lui tới thăm viếng. Đó
còn là một địa chỉ mà ai có túng thiếu đều ghé qua nhờ cậy và được
đáp ứng vô điều kiện. Không ai hỏi han về hồn ma Năm Nhơn nữa, nhưng
trong lòng họ lúc nào cũng nhớ tới anh. Họ hiểu chỉ có anh mới cảm hóa
được những con người như nhà Hội đồng Thì…